Từ bé, chúng ta đã luôn bị áp đặt, hoặc tự gán ghép một hình ảnh nào đó cho bản thân. Chúng ta chấp nhận bản ngã đó một cách tự nguyện, không suy nghĩ lại.
Xét góc độ áp đặt, chắc hẳn hồi bé ai cũng được người lớn nói những câu đại loại như: “Như một ông cụ, bà cụ non”; “Thằng bé này lớn lên làm bác sĩ!”; “Nghịch như này chỉ có đi phá làng phá xóm.”; “Ít nói như này thì ma nó chơi”. Những câu nói này không có ý xấu nhưng nói đi nói lại có thể khiến chúng ta tin là thật. Dần dần, chúng ta tự tạo dựng một hình ảnh cứng nhắc về bản thân.
Xét góc độ tự gán ghép, ở thế hệ 8X về trước thì là truyện hay tiểu thuyết, còn ở thế hệ 9X, 10X có lẽ là phim ảnh. Ở nhà xem phim nhiều mà không tiếp xúc với thực tế, chúng ta bắt đầu hình thành một thực tế ảo trong đầu. Từ thực tế ảo đó, chúng ta lại tự tạo dựng bản ngã ảo của bản thân dựa trên đó. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta giống một nhân vật nào đó, chúng ta nghĩ như này là “cool”, là “ngầu”. Cho đến khi thực tế tát vào mặt thì chúng ta mới nhận ra mình vô minh, chẳng hiểu gì về bản thân cả.
Câu chuyện của...
Mít từ bé thích xem TV vô cùng, đặc biệt là kênh HBO và Star Movie. Trong các thể loại phim thì Mít thích xem phim về cuộc đời của những người thành công. Hầu hết, các bộ phim đều mô tả một nhân vật sống trong hoàn cảnh bất lợi, không có gì trong tay, sau đó với đam mê của mình đã trở thành một anh hùng. Xem phim nhiều, vì ngưỡng mộ Steve Jobs, Mít nghĩ rằng mình sẽ phù hợp trở thành một lập trình viên.
Tua nhanh đến đại học, Mít đã đăng ký ngành IT tại một trường đại học tương đối tốt. Tuy nhiên, càng học Mít càng thấy mình không phù hợp với ngành. Mít nhận ra mình là con người thích công việc mang tính chất xã hội hơn là chuyên môn công nghệ. Mít đành phải ngừng việc học để chuyển qua một ngành khác. Ngày trước, cũng nhiều người gồm bạn bè và người thân nói Mít không hợp với ngành nhưng lúc đó Mít để ngoài tai vì vẫn tin mãnh liệt vào hình ảnh mà mình đã xây nên từ hồi nhỏ.