Trực giác cũng có trực giác “this”, trực giác “that”. Có người trực giác sẽ khá chuẩn xác, có người thì trực giác thường dẫn đến quyết định sai lầm. Trực giác là tổng hòa của 2 nhân tố: kinh nghiệm và chuyên môn.
Ngày trước khi làm công việc tuyển dụng, Thuyên thường phải xây dựng bộ câu hỏi và tiêu chí chi tiết. Công cụ này giúp cho người phỏng vấn biết nên hỏi ứng viên như thế nào để quyết định như thế nào. Trong khi những người phỏng vấn mới vào nghề phỏng vấn xong đắn đo suy nghĩ không biết nên chọn ai thì những anh chị kỳ cựu đã có cho mình đáp án: “Bạn này không phù hợp!”; “Bạn này phù hợp lắm em!”
Thuyên thắc mắc hỏi anh chị nhiều lần: “Tại sao anh chỉ có thể đưa quyết định trong khi đó anh chị hỏi không theo hướng dẫn em gửi?”. Anh chị trả lời mình: “HR Sense em ạ”. Thực sự lúc đó mình vô cùng nghi ngờ thứ gọi là “HR Sense” nhưng đến khi bản thân Thuyên phỏng vấn hơn 200 người thì bắt đầu hiểu chuyện.
Khi có đủ kinh nghiệm phỏng vấn, mình có thể dễ dàng thấy được người nào hợp hay không với tổ chức, với công việc nào. Tiêu chí vẫn phải là thứ phải có rõ nhưng HR Sense là yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định. Do đó, bạn có thể qua mặt người phỏng vấn bằng lý lẽ, câu chuyện bạn dựng lên nhưng có thể sẽ không qua mặt được HR Sense của họ. Tuy nhiên, Thuyên cũng phải khuyến cáo rằng không phải HR Sense của ai cũng sẽ cho ra quyết định đúng đắn. Tại vì nó còn phụ thuộc thêm vào yếu tố bên dưới.
Kỹ năng nhìn người (phỏng vấn) cũng giống như kỹ năng tự nhìn bản thân. Khi có nhiều kinh nghiệm thực chiến thì trực giác sẽ vô cùng nhạy bén và chính xác. Bạn muốn hiểu rõ bản thân thì bạn cần phản chiếu (reflect) mỗi ngày, liên tục trong nhiều năm liền.
Bạn nhìn nhận bản thân (reflect) bao lâu 1 lần?
Một người hiểu về xe máy, chỉ cần họ ngồi lên chiếc xe thì có thấy đoán gần đúng ngay vấn đề của xe nằm ở đâu. Họ có thể lấy dữ kiện một cách vô thức qua tất cả giác quan của mình. Người bình thường, mặc dù đi xe máy mỗi ngày nhưng không hề biết chiếc xe mình đang “bệnh” rất nặng. Đơn giản là đa phần người đi xe máy đều không hiểu về cách hoạt động của nó.
Kiến thức không chỉ giúp một người biết nhiều thứ hơn. Kiến thức còn thay đổi cách mà một người nhìn nhận thế giới xung quanh. Mỗi lần có thêm kiến thức, bạn sẽ như được thay đổi một cặp lens khác cho mắt bạn. Cùng một tiếng pô phát ra từ chiếc xe, một người chỉ nhận thức là to hay nhỏ, nhưng một người đam mê xe ngay lập tức cảm nhận được độ bốc của chiếc xe đó, động cơ 2 xi lanh hay 4 xi lanh, phân khối khoảng bao nhiêu.
Với logic tương tự, điều gì xảy ra nếu bạn có chuyên môn về lĩnh vực phát triển bản thân như cơ chế hoạt động của não bộ, cách con người tư duy, cách con người cảm nhận, hành vi con người? Bạn nhìn đời theo một cách sâu sắc, rõ ràng hơn như một người thợ máy nhìn vào chiếc xe máy. Cho nên, nếu bạn có trực giác tốt hơn khi nhìn nhận bản thân thì không ngừng tích lũy cho mình kiến thức về điều mà mình muốn hiểu về bản thân.
Trực giác luôn là sự tổng hòa giữa kinh nghiệm và chuyên môn. Hai thành tố này hòa quyện vào nhau, không thể chia rõ rạch ròi đâu là trực giác đến từ kinh nghiệm, đâu đến từ kiến thức. Kiến thức và kinh nghiệm cần có nhau để phát huy tác dụng. Trực giác cũng sẽ không phát triển theo đường thẳng (linear), bạn sẽ mất một khoảng thời gian tích lũy trực giác mà không nhận ra được gì. Bạn phải tích lũy đủ về lượng thì mới có thể thay đổi về chất. Lúc đó, bạn sẽ thốt lên: “À ha…”